Xấu hổ, khổ vì… bàng quang tăng hoạt!

Bị hội chứng bàng quang tăng hoạt, bệnh nhân gần như không đi chơi, đi du lịch, gặp gỡ bạn bè vì phiền toái do tình trạng rối loạn tiểu tiện.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân, làm trở ngại trong sinh hoạt, học tập và công tác hằng ngày.

Đồng thời, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng tới tâm lý, đặc biệt là những bệnh nhân trẻ.

Phiền toái do tình trạng rối loạn tiểu tiện

Một bệnh nhân nữ đến khám tại Khoa Niệu nữ – Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân TPHCM, được chẩn đoán bị bàng quang tăng hoạt.

roi-loan-tieu-tien.jpg
Hội chứng bàng quang tăng hoạt tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân, làm trở ngại trong sinh hoạt, học tập và công tác hằng ngày.

Bệnh nhân đi tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm, tiểu gấp (cảm giác mắc tiểu đến dồn dập thôi thúc phải đi tiểu ngay, không thể nhịn tiểu lâu), đôi khi kèm són tiểu.

Tình trạng này kéo dài gần 3 năm, ngày càng nghiêm trọng khiến bệnh nhân không thể tập trung làm việc.

Theo ThS.BS Phạm Hữu Đoàn, Trưởng khoa Niệu nữ – Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân TPHCM, bàng quang tăng hoạt (OAB) là bệnh lý lành tính.

Nhưng căn bệnh này lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm giảm khả năng làm việc, gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng hoạt động tình dục và làm cho người bệnh giảm khả năng tham gia các hoạt động xã hội.

Bàng quang tăng hoạt là một bệnh lý tiết niệu thường gặp, bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ, nhưng phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn. Bệnh cũng có thể xảy ra ở trẻ em.

Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ trong độ tuổi 45 – 54 có nhiều khả năng mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt cao nhất.

Theo một nghiên cứu ở Nhật, gần 1/5 phụ nữ báo cáo tình trạng tiểu không kiểm soát liên quan đến bàng quang tăng hoạt hoặc khi gắng sức (són tiểu khi ho – hắt hơi – khiêng vật nặng).

Để điều trị bàng quang tăng hoạt ngoài dùng thuốc, tập cơ sàn chậu, kích thích thần kinh chày, tập luyện bàng quang để tiểu đúng cách và thay đổi lối sống cũng là những yếu tố quan trọng để có thể sống vui vẻ hoặc thậm chí là đẩy lùi bàng quang tăng hoạt.

8 yếu tố ảnh hưởng bàng quang tăng hoạt có thể thay đổi được

Theo ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai, Phó Trưởng khoa Niệu nữ – Niệu Chức năng, Bệnh viện Bình Dân TPHCM, một số yếu tố thói quen sinh hoạt sai lầm có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng kèm theo gia tăng các tần suất của các triệu chứng OAB.

kham-benh-nhan-tai-khoa-nieu-nu-nieu-chuc-nang.jpg
Gần 1/5 phụ nữ báo cáo tình trạng tiểu không kiểm soát liên quan đến bàng quang tăng hoạt hoặc khi gắng sức (són tiểu khi ho – hắt hơi – khiêng vật nặng).

Các yếu tố này không nhất thiết gây ra OAB, nhưng có thể làm tăng nguy cơ kích thích bàng quang hoặc thúc đẩy đi tiểu nhiều.

Béo phì

Tình trạng thừa cân – béo phì nói chung và béo phì trung tâm (liên quan đến sự tích tụ dư thừa mỡ quanh eo) dường như làm tăng nguy cơ mắc bệnh OAB ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt đối với số lần đi tiểu và tiểu đêm.

Giảm cân giúp cải thiện rõ các triệu chứng, đặc biệt là giảm rỉ nước tiểu; ngay cả khi bạn chỉ giảm được 5 – 10% cân nặng.

Caffeine

Là một chất lợi tiểu, có thể làm tăng tần suất đi tiểu và tiểu gấp khi tiêu thụ quá mức (mặc dù các nghiên cứu còn mâu thuẫn về định lượng bao nhiêu là quá nhiều).

Cà phê, trà, sô cô la, cola và nước tăng lực… là những nguồn thực phẩm phổ biến có chứa caffeine. Caffeine còn kích thích trực tiếp lên các thụ thể ở thành bàng quang, làm cho các triệu chứng tiểu gấp thêm phần tồi tệ.

Thừa nước

Uống nhiều nước sẽ khiến đi tiểu nhiều hơn và triệu chứng tiểu gấp nặng hơn. Tuy nhiên, uống nước quá ít cũng khiến các triệu chứng tồi tệ hơn do nước tiểu quá cô đặc sẽ làm kích thích cơ bàng quang.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc giảm 25% lượng chất lỏng hằng ngày có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc chứng tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu đêm (miễn là tiêu thụ không ít hơn 1 lít mỗi ngày).

Vì vậy, bệnh nhân mắc bàng quang tăng hoạt thường được bác sĩ khuyên uống khoảng 1,5 lít nước mỗi ngày và rải đều trong ngày, không uống quá nhiều nước 1 lần.

Rượu, bia

Cũng là một chất lợi tiểu và có thể làm tăng nồng độ axit trong nước tiểu, gây kích thích bàng quang.

Các nghiên cứu cho thấy, những người uống rượu có tỷ lệ tiểu gấp và tần suất đi tiểu lắt nhắt ngày càng nhiều hơn so với người không uống rượu hoặc những người đã từng uống rượu.

Nguy cơ mắc OAB cao hơn ở nam giới, đặc biệt là những người uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày.

Hút thuốc

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức độ nghiêm trọng của OAB ở những người hút thuốc hiện tại mắc OAB cao hơn 2,54 so với những người không hút thuốc.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh OAB do xơ cứng động mạch (xơ vữa động mạch), một tình trạng ảnh hưởng đến bàng quang cũng như hệ thống tim mạch.

Thuốc

Thuốc lợi tiểu như Bumex (bumetanide), Dyrenium (triamterene), Hydrodiuril (hydrochlorothiazide) và Lasix (furosemide) làm tăng lượng nước tiểu và làm cho các triệu chứng OAB nặng hơn.

Việc sử dụng thuốc lợi tiểu lâu dài cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh OAB ở người lớn từ 75 tuổi trở lên.

Hạn chế thực phẩm có vị chua, cay

Những thức ăn này kích thích bàng quang khiến nó tăng co bóp hơn.

Đi tiểu khi cần

Tốt nhất là khi mắc tiểu, bạn nên trì hoãn việc đi tiểu, “giữ” lâu đến mức có thể để tập bàng quang “giảm nhạy cảm” hơn.

Hiện nay, trên thế giới có hàng triệu người mắc chứng bệnh này. Tuy nhiên, hơn 50% người bệnh phải âm thầm chịu đựng tình trạng này trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm do tâm lý xấu hổ, e ngại không muốn đến bệnh viện để điều trị.

About hlthaibao

Check Also

Mỹ mua 13 triệu liều vắc xin đậu mùa khỉ sau khi 1 người nhiễm bệnh

Hiện châu Âu chỉ có một loại vắc xin ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ …